22/05/2023 • Tin công nghệ

Các cuộc tấn công mạng đã gây ra 92% tổng số vụ rò rỉ dữ liệu trong quý đầu tiên của năm 2022. Việc cập nhật các xu hướng an ninh mạng là rất quan trọng để chống lại các mối đe dọa, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, thị trường an ninh mạng dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​những xu hướng mới sau đây.

1. Bảo mật ứng dụng

Hệ thống bảo mật ứng dụng làm giảm rủi ro bảo mật liên quan đến các hoạt động khác nhau của các ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như web và ứng dụng di động. Các chuyên gia an ninh mạng dự đoán rằng, các ứng dụng web sẽ vẫn là nguyên nhân thường xuyên nhất của các vi phạm đã được xác nhận. Với việc các tổ chức ngày càng kết nối với các ứng dụng quan trọng khác nhau thông qua Internet sẽ làm gia tăng rủi ro cho các ứng dụng.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu dữ liệu toàn cầu Statista, chi tiêu cho bảo mật ứng dụng toàn cầu lên tới 6 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ gần 5 tỷ so với năm 2021. Đến năm 2023, chi tiêu cho bảo mật ứng dụng được dự báo sẽ đạt hơn 7,5 tỷ USD.

2. Bảo mật đám mây

Các ứng dụng và dịch vụ đám mây cho phép người dùng truy cập tệp và dữ liệu từ mọi nơi, điều này khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu hàng đầu của các tin tặc.

Vì vậy, một trong những điều quan trọng khi sử dụng các dịch vụ đám mây là bất kỳ tài khoản đám mây nào cũng cần được bảo mật đúng cách, sử dụng mật khẩu phức tạp, duy nhất và được trang bị xác thực đa yếu tố, để trong trường hợp mật khẩu bị đánh cắp, rò rỉ vẫn có một rào cản bổ sung giúp ngăn chặn và hạn chế việc tài khoản bị chiếm đoạt và lạm dụng.

Theo dữ liệu của Statista, bảo mật đám mây là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường bảo mật CNTT, với mức tăng trưởng dự kiến ​​là gần 27% trong giai đoạn 2022 - 2023. Điều này chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp đám mây sau đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

3. Bảo mật di động

việc sử dụng nhiều các thiết bị di động cũng làm gia tăng các cuộc tấn công mạng, bởi đây là một trong những liên kết yếu nhất trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp. Việc nhận thức rõ những mối đe dọa về an toàn đối với thiết bị di động sẽ giúp người dùng cá nhân và tổ chức tìm được các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn trong môi trường di động.

Theo các chuyên gia bảo mật, những vi phạm an toàn thiết bị di động sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, tiếp tục khiến cho những nguy cơ mất an toàn thông tin từ chính các thiết bị di động trở nên nguy hiểm hơn. Vì thế ở góc độ người dùng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp cần phải nhận diện được các mối đe dọa đối với thiết bị di động để tận dụng được lợi ích từ thiết bị di động nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an toàn cho hoạt động của mình. 

4. Bảo mật cho các thiết bị IoT

IoT đang làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện hơn theo nhiều cách. Tuy nhiên, IoT cũng là một công nghệ tương đối mới, có nghĩa là có những mối đe dọa bảo mật cần lưu ý. Nếu không có các biện pháp bảo vệ tại chỗ, các thiết bị IoT có thể dễ bị tấn công mạng và các mối đe dọa bảo mật khác.

Nhờ việc tự động hóa ngôi nhà bằng cách sử dụng IoT, việc cung cấp thiết bị cho những ngôi nhà thông minh dự kiến ​​sẽ đạt 1,8 tỷ vào năm 2025. Các thiết bị thông minh, nhà thông minh và trợ lý giọng nói đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mỗi thiết bị như vậy có thể bị tội phạm mạng tấn công và chiếm đoạt. Dự báo, với việc gia tăng số lượng phương tiện tự lái trên đường trong năm 2023 cũng sẽ làm gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng.

5. Bảo mật trong làm việc từ xa

Làm việc từ xa đã nới lỏng quyền kiểm soát của các tổ chức, doanh nghiệp đối với việc sử dụng dữ liệu an toàn của nhân viên. Tội phạm mạng, cùng với những kẻ tham gia lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật (Social engineering) đã lợi dụng kẽ hở này, sử dụng các phương pháp tấn công ngày càng tinh vi để tấn công mạng.

Quản lý xác thực an toàn và quyền truy cập hợp pháp vào dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp là những phương pháp chính để đảm bảo an toàn cho làm việc từ xa.

6. Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng

Khách hàng đang sở hữu các tài khoản ngân hàng, ví điện tử… hay các sản phẩm công nghệ như: máy tính cá nhân, điện thoại… có kết nối internet đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm an ninh mạng.

Khi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ offline sang online nhiều hơn thì cũng đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng nhiều hơn. Vì vậy, xu hướng bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro trên không gian mạng đang ngày càng được các tổ chức, cá nhân quan tâm.

Việc bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng giúp giảm thiểu các mối đe dọa và tổn thất tài chính từ các cuộc tấn công mạng. Các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm sẽ được bồi thường khi bị mất cắp tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, bị đánh cắp dữ liệu, tài khoản kỹ thuật số, bị trộm cắp thông tin cá nhân trên môi trường mạng gây tổn hại về tài chính, uy tín, danh dự.

7. Bảo mật Zero Trust

Mô hình bảo mật Zero Trust có nghĩa là không nên tin bất kỳ thứ gì bên trong và ngoài hệ thống mạng đang được sử dụng và chỉ nên áp dụng các biện pháp bảo mật tại nơi nào cần đến, phân chia thành ngăn và bảo vệ những hệ thống, dữ liệu quan trọng. Nói cách khác, mục đích của Zero Trust là bảo đảm ngay cả khi một tài sản bị xâm phạm, điều này cũng không làm tổn hại đến cả tổ chức, doanh nghiệp.

Mặc dù cách tiếp cận Zero Trust sẽ không ngăn chặn tội phạm mạng đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, Zero Trust sẽ làm chậm quá trình đánh cắp thông tin và khiến những tên tội phạm mạng phải cố gắng nhiều hơn để truy cập dữ liệu, đặc biệt là các loại dữ liệu nhạy cảm nhất, thường sẽ yêu cầu mức độ xác thực cao không chỉ dựa vào tên người dùng và mật khẩu.

Theo nhận định của công ty nghiên cứu Gartner, việc áp dụng Zero Trust sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, sẽ tăng 31% trong năm 2023 và thay thế hoàn toàn mạng riêng ảo (VPN) vào năm 2025.

8. Trí tuệ nhân tạo

AI đã được sử dụng thành công trong việc tăng cường bảo mật và cải thiện an ninh mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp như sử dụng AI giúp phát hiện, quản lý lỗ hổng bảo mật và phản ứng với các mối đe doạ nhanh hơn nhiều so với khả năng của con người.

Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng AI để tự động hóa các tác vụ. Điều này có thể giải phóng thời gian cho các chuyên gia bảo mật để họ có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn. Nó cũng có thể giúp giảm thiểu khả năng xảy ra lỗi của con người, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra vi phạm dữ liệu.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Research And Markets, thị trường toàn cầu cho AI trong an ninh mạng ước đạt 14,1 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 41,94 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,36% trong giai đoạn dự báo 2022-2027. Năm 2023, ​​AI sẽ được sử dụng phổ biến hơn nữa trong an ninh mạng, đặc biệt là trong giám sát, phân tích tài nguyên và mối đe dọa cũng như khả năng phản ứng nhanh.

9. Công cụ phát hiện tấn công mạng

Cách duy nhất để các tổ chức, doanh nghiệp có thể ngăn chặn một cuộc tấn công hoặc giảm tác động của nó là xác định hoạt động bất thường trên toàn bộ hệ sinh thái người dùng, ứng dụng và cơ sở hạ tầng của họ. Đó là lý do tại sao các nhà cung cấp các giải pháp bảo mật sẽ ngày càng sử dụng nhiều hơn các công nghệ như AI và học máy (ML) để giúp phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng.

Gartner dự đoán rằng, chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ bảo mật thông tin và quản lý rủi ro được dự báo sẽ tăng 11,3%, đạt hơn 188,3 tỷ USD vào năm 2023. Bảo mật đám mây là hạng mục được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm tới.

10. Thuê ngoài các dịch vụ an ninh mạng

Khi các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cần sự trợ giúp của các nhà cung cấp giải pháp bảo mật chuyên nghiệp để đảm bảo mức độ bảo mật cao. Do đó, xu hướng bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp bằng các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp sẽ nở rộ trong năm 2023 cũng như những năm tới.

Những nhà cung ứng dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp đều là những doanh nghiệp hàng đầu, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và công nghệ phong phú giúp theo dõi các mối đe dọa bảo mật, cập nhật hệ thống và giảm thiểu các lỗ hổng với chi phí phải chăng.

Hiện nay, GalaxyOne đang cung cấp dịch vụ Quản trị ủy quyền toàn diện về An toàn thông tin. Với dịch vụ, GalaxyOne sẽ thực hiện giám sát 24/7 an ninh mạng và hệ thống doanh nghiệp để xác định các điểm bất thường và tránh sự gián đoạn ngoài ý muốn cho các tổ chức.

Tìm hiểu thêm về dịch vụ Quản trị ủy quyền An toàn thông tin của GalaxyOne tại đây.


#Cybersecurity #SecurityTrend #SecurityService #ManagedSecurity #

Tin tức liên quan